Lo đứt gãy chuỗi cung ứng sau văn bản số 6180 của UBND tỉnh Đồng Nai

Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6180/UBND-KGVX về việc cách ly người về/đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. (Đính kèm: Văn bản số 6180/UBND-KGVX ) áp dụng quy định phòng chống dịch, các doanh nghiệp, người lao động cho biết khó khăn trong việc vẩn chuyển hàng hóa, di chuyển của công nhân đi làm giữa Đồng Nai và TPHCM.

Những lao động ở Đồng Nai đang làm việc tại TP.HCM và ngược lại sẽ như thế nào?

Những lao động này buộc phải lựa chọn, 1 là thuê nhà ở lại TP.HCM để làm việc tại TP.HCM trong thời gian này hoặc ở Đồng Nai và làm việc trực tuyến (tùy từng công việc cụ thể), không được đi – về giữa Đồng Nai và TP.HCM như trước kia nữa. Nếu từ ngày 5-6, người Đồng Nai lên TP.HCM làm việc, khi quay về Đồng Nai bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại nhà/nơi lưu trú theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Ngày 05/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 6196/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19. (Đính kèm: CV số 6196/UBND-KGVX)

Những trường hợp cần thiết phải đi về trong ngày, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu thực hiện nghiêm những quy định: Đối với chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, trả công nhân trên địa bàn tỉnh; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch. Người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng chống dịch; mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với quy định; thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày vận chuyển.

Trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch.

Tất cả các chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón; chuyên gia, công nhân, người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định trên, yêu cầu phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định tại Công văn 6180/UBND-KGVX ngày 04/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6195/UBND-KGVX về việc thực hiện quy định về vận tải hàng hóa như phương tiện và người điều khiển phương tiện trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị liên hệ số điện thoại đường dây nóng : 0812275805 để được giải đáp.

Còn bạn là người dân Đồng Nai, bạn nghĩ sao về quy định này?

UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6180/UBND-KGVX về việc cách ly người về/đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài xế chở hàng từ TP.HCM về Đồng Nai, tài xế xe Bắc – Nam có buộc phải cách ly không?

Những tài xế chuyên chở hàng hóa thiết yếu từ TP.HCM về/đến Đồng Nai không phải cách ly 21 ngày. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có tài xế chở hàng hóa thiết yếu phải có phương án phòng chống dịch bệnh cho tài xế. Đồng thời, các tài xế phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, không tiếp xúc với những người khác. Những tài xế chạy xe Bắc – Nam cũng cần phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K và được yêu cầu không ghé địa điểm nào tại Đồng Nai, không tiếp xúc với người khác.

Cấp cứu bệnh nhân giữa Đồng Nai và TP.HCM, người nhà bệnh nhân chăm sóc bệnh nhân đang điều trị ở TP.HCM có phải cách ly không?

Với những ca bệnh nặng vượt quá khả năng của các bệnh viện ở Đồng Nai vẫn thực hiện chuyển viện cấp cứu lên các bệnh viện ở TP.HCM bình thường. Tài xế chở xe cấp cứu được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, không phải cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Riêng người thân của bệnh nhân nếu lên TP.HCM chăm sóc người bệnh, về Đồng Nai phải thực hiện cách ly 21 ngày theo quy định. Do đó, những gia đình có người thân cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM nên cử người túc trực xuyên suốt ở TP.HCM để chăm sóc người bệnh, hạn chế thăm bệnh nhân trong thời gian này để hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan.

Quy định quyết liệt của tỉnh Đồng Nai gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp

Theo ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết rất nhiều hội viên của VPA đang có công nhân lao động đi làm về trong ngày giữa TP.HCM – Đồng Nai rất nhiều, và quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành “gây sốc cho các doanh nghiệp bởi họ lo đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, chuỗi cung ứng sản xuất không hề có thời gian để chuẩn bị. Và nếu làm máy móc, không khoa học thì hậu quả kinh tế để lại vô cùng nghiêm trọng”.

Theo ông Lam, việc điều phối của những cơ quan chức năng giữa các thành phố trong mùa dịch cần được thực hiện trên cơ sở đảm bảo an toàn, nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế.

Thay vì “cấm cái rụp”, “nội bất xuất ngoại bất nhập” như công văn của Đồng Nai, ông Lam cho rằng “sao không tổ chức sàng lọc từng địa điểm/vùng có nguy cơ lây nhiễm hoặc đã vướng nhiễm COVID-19 để cách ly tuyệt đối theo chỉ thị 16, còn những nơi khác của Đồng Nai thì vẫn cho sinh hoạt, di chuyển bình thường theo chỉ thị 15 của Chính phủ?”.

Lấy ví dụ các trường hợp đang áp dụng tại một số doanh nghiệp hội viên, ông Lam cho biết thêm hiện các doanh nghiệp đã tự chủ động làm xét nghiệm cho các nhân viên, đội xe khi vận chuyển, chở hàng, giao dịch giữa các địa phương.

Các doanh nghiệp còn yêu cầu công nhân phải mặc trang phục bảo hộ, đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định của Bộ Y tế trong suốt quá trình lao động tại nơi làm việc, hoặc khi di chuyển ra khỏi công ty theo yêu cầu công việc bắt buộc.

“Nếu Đồng Nai suy nghĩ thấu đáo về cách thực hiện, tổ chức phân luồng xét nghiệm và cấp giấy cho doanh nghiệp đã hoàn tất xét nghiệm y tế ra vào địa bàn theo từng khu vực có mức độ lây nhiễm thấp hay cao, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đang sử dụng lao động trên TP.HCM thì tôi tin sẽ không có vướng mắc, hay nguy cơ dịch bùng phát như tỉnh lo ngại”, ông Lam nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng được một số người dân ủng hộ quyết định trên, Chúng ta phải thích nghi và sống với dịch bệnh trong những điều kiện khó khăn, người dân cũng hy vọng tình dịch lây lan dịch bệnh lắng xuống để mọi người dần trở lại cuộc sống bình thường.

Doanh nghiệp nháo nhào tìm nhà trọ, khách sạn

Giám đốc truyền thông của một tập đoàn lớn tại TP.HCM cho rằng việc yêu cầu cách ly 21 ngày đối với người từ TP.HCM của tỉnh Đồng Nai là chưa hợp lý.

Thủ tướng đã chỉ đạo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng văn bản này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Thực tế, khi Đồng Nai ra văn bản trên khiến hàng chục người ở Đồng Nai làm việc tại TP.HCM khá sốc.

Họ phải nháo nhào tìm nhà trọ, khách sạn tạm trú để đảm bảo công việc hằng ngày. Không chỉ làm tốn kém thêm tiền của người dân mà vô hình trung tạo ra gánh nặng cho thành phố vì thêm người lưu trú khiến việc giãn cách không đảm bảo, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch cao hơn.

Vị này cho rằng cần có những biện pháp tốt hơn như xét nghiệm nhanh hay vận động tuyên truyền người dân… chứ không thể “ngăn sông cấm chợ” như vậy được.